Phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên cây hồ tiêu

1. Mở đầu

Từ năm 2020 trở lại đây, diện tích hồ tiêu của Việt Nam duy trì khá ổn định quanh mốc 130.000 ha với sản lượng dao động từ 180.000 tấn – 200.000 tấn. Hiện nay, với khoảng hơn 100.000 nông dân tham gia sản xuất hồ tiêu, 200 nhà xuất khẩu và khoảng 35 nhà máy chế biến (VPA). Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm trên 40% về sản lượng và 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới.

Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như sản xuất còn thiếu tính bền vững, sản phẩm chủ yếu giao dịch ở dạng thô nên giá bán thấp, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. Đặc biệt là việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.

Để giữ vững vị trí số một và từng bước khẳng định thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất bền vững ngành hồ tiêu, trong đó sản xuất hồ tiêu hữu cơ được chú trọng và khuyến khích phát triển.

2. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên cây hồ tiêu

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ không phải là hình thức canh tác mới mà nó đã được thực hiện từ rất lâu khi cây hồ tiêu mới được đưa vào canh tác tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2000 – 2020 khi sản phẩm hồ tiêu được xem là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, cây hồ tiêu được đầu tư thâm canh cao, người dân quan tâm nhiều đến năng xuất, sản lượng mà bất chấp các quy luật phát triển của tự nhiên. Phát triển cây hồ tiêu một cách ồ ạt, diện tích ngày càng mở rộng, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, phá vỡ cân bằng sinh học gây ra hệ lụy là đất canh tác bị suy thoái, chất lượng giống bị thoái hóa, sức khỏe vườn cây giảm… dẫn đến hồ tiêu có nhưng năm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Điều này đã làm cho năng suất giảm, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, môi trường sống kém chất lượng, đa dạng sinh học giảm sút, tài nguyên thiên nhiên nước, không khí, đất bị ô nhiễm làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

Từ năm 2020 trở lại đây người dân đã dần nhận thức được những nguy hại của việc phát triển sản xuất hồ tiêu trái quy luật tự nhiên. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin các hình thức sản xuất thuận tự nhiên, sản xuất hữu cơ đã dần được người nông dân đón nhận và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên cây hồ tiêu với giải pháp chủ yếu là kiểm soát đầu vào, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất. Phát huy triệt để những lợi thế về điều kiện thiên nhiên nông hóa thổ nhưỡng vốn đã rất phù hợp để cho cây hồ tiêu phát triển, cộng thêm truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất hồ tiêu phong phú của nông dân. Người dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập bền vững. Các thói quen sản xuất tốt dần được hình thành như sản xuất hồ tiêu tập trung theo vùng, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ sẵn có, áp dụng triệt để nguyên lý “trả lại cho đất” (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất), bảo vệ thiên địch, giữ đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Canh tác hồ tiêu theo mô phỏng sinh thái rừng đảm bảo 3 tầng cây bao gồm thảm phủ, cây che bóng tầng trung (cây trồng xen) và tầng cao. Từ đó độ phì đất từng bước được cải thiện, sức khỏe vườn cây được nâng cao giúp hạn chế sự tấn công của dịch hại, môi trường sống trở nên tốt hơn, chất lượng và giá thành sản phẩm cao hơn, an sinh xã hội được đảm bảo. Góp phầm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước chiếm khoảng 94% diện tích và 97% sản lượng hồ tiêu. Trong đó, khoảng 91,7% diện tích, 93,7% sản lượng hồ tiêu toàn quốc tập trung tại 6 tỉnh sản xuất trọng điểm là: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay tại 6 tỉnh này người nông dân đã có xu hướng mạnh mẽ trong việc chuyển từ phương pháp truyền thống qua canh tác hữu cơ, đã hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và được thị trường quốc tế chào đón.

Theo kết quả điều tra của PRDC năm 2022 về sản xuất hồ tiêu của 3 tỉnh Tây Nguyên cho thấy. Diện tích hồ tiêu sản xuất bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch của các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc như sau:

Bảng 1: Diện tích hồ tiêu canh tác bền vững và hữu cơ tại 3 tỉnh Tây Nguyên

STT Vùng trồng
hồ tiêu
Tổng diện tích
hồ tiêu (ha)
Tỷ lệ diện tích
sản xuất bền vững (%)
Tỷ lệ diện tích
sản xuất hữu cơ (%)
1 Gia Lai 13.500 18,52 1,85
2 Đắk Lắk 32.800 28,96 3,35
3 Đắk Nông 33.500 32,84 5,37
 

Trung bình

79.800 26,77 3,53

Số liệu điều tra của PRDC tháng 12 năm 2022

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ của cả ba tỉnh đều khá khiêm tốn chỉ chiếm 3,53% trong tổng diện tích hồ tiêu. Trong đó, diện tích hồ tiêu sản xuất hữu cơ của Gia Lai chỉ chiếm 1,85%, Đăk Lăk đạt 3,35% và Đăk Nông là 5,37%.  Đa phần diện tích canh tác hữu cơ này đều được sản xuất theo đặt hàng của các đơn vị thu mua và hiện nay diện tích này đang có xu hướng tăng lên ở tất cả các vùng điều tra.

Bảng 2: Sản lượng  hồ tiêu tại 3 tỉnh Tây Nguyên

STT Vùng trồng
hồ tiêu
Tổng sản lượng
hồ tiêu (tấn)
Tỷ lệ sản lượng
sản xuất bền vững (%)
Tỷ lệ sản lượng
sản xuất hữu cơ (%)
1 Gia Lai 15.500 14,84 2,01
2 Đắk Lắk 41.500 25,30 2,92
3 Đắk Nông 73.300 34,92 3,02
 

Trung bình

130.300 25,02 2,65

Số liệu điều tra của PRDC tháng 12 năm 2022

*Ghi chú: sản lượng dự kiến nên vụ 2022-2023

Sản lượng hồ tiêu dự kiến niên vụ 2022-2023 của ba tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 130.300 tấn (số liệu điều tra tháng 12/2022) giảm mạnh so với niên vụ 2021-2022 (188.500 tấn). Trong đó sản lượng hồ tiêu thu từ diện tích sản xuất bền vững chiếm 25,02%, Đăk Nông có sản lượng này cao nhất đạt 34,92% và đa phần sản lượng này đều thuộc các vùng sản xuất của các đơn vị thu mua. Sản lượng hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn 2,65%, lượng sản phẩm này được các đơn vị thu mua với giá thành cao hơn thị trường từ 20 – 30%.

Theo báo cáo của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 03 tỉnh Đông Nam Bộ. Hiện nay các diện tích hồ tiêu tại Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đang được hỗ trợ chuyển dịch canh tác theo hướng sản xuất bền vững và hữu cơ. Tại Đồng Nai đã quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ diện tích trồng đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030.

3. Một số yêu cầu cơ bản để sản xuất hồ tiêu hữu cơ

Các hộ dân tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ các quy trình kĩ thuật như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, phân bón hóa học, các chất biến đổi gien; không sử dụng chung dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ; tất cả dụng cụ phải được rửa sạch trước khi sử dụng cho canh tác hữu cơ; tất cả nông dân phải lưu ý giữ nguyên liệu đầu vào của vườn nhà…

Nếu các chất cấm nêu trên được sử dụng cho vườn lân cận thì phải có vùng đệm ngăn cách với vườn canh tác hữu cơ (vùng đệm phải rộng trên 1m); bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm, tối ưu hóa năng suất hữu cơ và phát triển lành mạnh…

Vườn canh tác hữu cơ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ (không chứa vỏ bao, chai thuốc, bao phân bón, rác thải hữu cơ trong vườn và xung quanh nhà); duy trì độ màu mỡ cho đất bằng cách tối ưu hóa các hoạt động sinh học cho đất; duy trì đa dạng sinh học trong hệ sinh thái; tái chế nguyên liệu tối đa trong phạm vi vườn.

Người trồng chú trọng việc thu hái, bảo quản, vận chuyển sản phẩm một cách tốt nhất để đảm bảo tính hữu cơ và chất lượng sản phẩm… Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ khi đóng gói phải đảm bảo tuyệt đối an toàn từ các nguy cơ bên ngoài như nhiễm hóa chất từ bao bì đựng hồ tiêu; nhiễm qua tay người thu hái; nhiễm từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người trực tiếp thu hái, đóng gói…

Mặc dù canh tác theo quy trình hữu cơ, năng suất không cao bằng truyền thống. Quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt và đòi hỏi tính công khai, minh bạch, trình độ sản xuất cao. Nếu người dân tuân thủ nghiêm các quy định và quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì phải mất từ 3 – 5 năm mới bắt đầu có sản phẩm hồ tiêu hữu cơ để xuất bán nhưng đổi lại vườn hồ tiêu sinh trưởng bền vững, sức khỏe người trồng được đảm bảo, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định với giá trị cao hơn khoảng 25% so với giá thị trường.

Hình 1: Ủ phế phụ phẩm, xác cá làm phân hữu cơ; bón Than sinh học Biochar

Hình 2: Vườn cây canh tác 03 tầng cây trồng; Bẫy côn trùng chích hút từ sản phẩm sinh học

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội nghị Hồ tiêu, tháng 10/2022. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam.
  2. Niên giám thống kê 5 tỉnh Tây Nguyên năm 2022.
  3. Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021.
  4. https://nongnghiep.vn/chuyen-trong-tieu-o-dong-nai-bai-3-tao-da-cho-tieu-huu-co-phat-trien-d335581.html

Theo ThS. Nguyễn Quang Ngọc, ThS. Trần Thị Diệu HIền
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu