Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay và ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn chung, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành nông sản thực phẩm, sang các thị trường lớn vẫn luôn được đánh giá khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như mở rộng kênh bán hàng, tăng đầu tư vào công nghệ số, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng trưởng xuất khẩu.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương hi vọng với việc quy tụ những diễn giả, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, với nhiều chủ đề về chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm nông sản xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam được đề cập; Các phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số mới được giới thiệu… sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng nông sản. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
Hội nghị lần này hướng đến các mục tiêu chính, bao gồm: phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; Tạo nên diễn đàn để các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này; Quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam, các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp ngành thực phẩm thông qua môi trường số…
Tại hội nghị, các chuyên gia, diễn giả và doanh nghiệp cũng chia sẻ, đối thoại xoay quanh việc xúc tiến thương mại trên môi trường số nhằm thúc đẩy giao dịch ngành nông sản và thực phẩm. Đồng thời, chia sẻ những phương thức và các giải pháp cho doanh nghiệp để chủ động tiếp cận công nghệ mới, bắt kịp xu hướng của thời đại.
Công nghệ sẽ thúc đẩy thương mại nông sản, thực phẩm bền vững
Theo ông Joseph Wozniak – Giám đốc Chương trình Thương mại vì sự Phát triển bền vững, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), công nghệ là trụ cột để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công nghệ cho phép chúng ta quản lý tài nguyên chính xác, giảm chất thải và giảm thiểu tác động môi trường.
Điều này có được nhờ “minh bạch chuỗi cung ứng” từ việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Qua đó, tạo dựng được niềm tin của khách hàng vào sản phẩm. Ông Wozniak chia sẻ ở Việt Nam hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp được ITC phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số và sản xuất thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh ở lĩnh vực này trên thị trường trong quá trình hội nhập.
Doanh thu của thị trường thực phẩm và đồ uống đạt tới 9 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và ước tính quy mô của ngành này sẽ đạt 10,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Khu vực có lợi nhuận lớn nhất của thị trường là châu Á với khối lượng thị trường là 4,4 nghìn tỷ vào năm 2022. Chiếm 49% tổng lượng tiêu thụ. Tiếp sau đó là châu Âu và châu Mỹ, chiếm lần lượt 22% và 20%.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam nhận định thị phần trực tuyến của ngành thực phẩm và đồ uống vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại cao hơn với đà tăng trưởng trung bình từ 2020 – 22025 là 15,8%, cho thấy ngành đang có tiềm năng lớn
Bà Uyên cho biết thêm, từ khi chính thức có mặt tại thị trường năm 2009, Alibaba.com Việt Nam không ngừng hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam xuất khẩu trực tuyến tại Việt Nam xuất khẩu trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các sản phẩm ở hơn 40 ngành hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho rằng, yếu tố công nghệ cũng góp phần quan trọng giúp gia tăng thị phần của các ngành hàng. Lấy ví dụ về TikTok, ông Thanh cho biết hình ảnh, câu chuyện sản phẩm được giới thiệu trực quan đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng đông đảo. Thông qua việc tương tác trực tiếp, nhà cung cấp nhận được phản hồi nhanh chóng từ khách hàng và hình thức bán hàng trực tuyến, thông qua livestream mang về doanh thu lớn.
Lấy ví dụ về sự tiện lợi của việc ứng dụng các giải pháp số trong xúc tiến thương mại, ông Bùi Cao Học – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ CloudGo đưa ra công thức “Tìm – Chốt – Giữ” khách hàng trên các nền tảng số. Theo đó hoạt động chăm sóc khách hàng trước bán, trong bán, sau bán hàng sẽ được “nuôi dưỡng đa kênh” trên hệ thống SMS, ZNS, email, Chatbot, Zalo OA… Việc tiếp cận nguồn dữ liệu đồ sộ sẽ nâng cao khả năng tiếp cận, phân loại khách hàng tiềm năng để tối ưu hóa hiệu quả khai thác thị trường của doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, trên 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp, khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, và khoảng 9.400 siêu thị và chợ hạng 1… Đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Việc thu thập dữ liệu chi tiết về những thành phần và hoạt động của các đối tượng này cũng sẽ mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khi thâm nhập thị trường nông sản, thực phẩm tỷ đô này.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) và TikTok Việt Nam nhằm cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và xúc tiến xuất khẩu.