Nếu ứng dụng tốt công nghệ số thì không xảy ra chuyện khoảng 200 container sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc trả lại, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phải thông báo với Bộ NN&PTNT về tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, và nhiều câu chuyện khác nữa.
Những câu chuyện đáng lo ngại
Tại Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 29/8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam phản ánh: “Hàng chúng ta xuất khẩu sang nước ngoài vẫn bị trả về vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng không đảm bảo. Đã có khoảng 200 container sầu riêng bị phía Trung Quốc trả lại. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng vi phạm việc thực hiện mã số vùng trồng. Những việc này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Ông Bình cũng lưu ý luôn: “Một số nước như Hàn Quốc thông báo, nếu vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cấm vĩnh viễn luôn chứ không phải đóng cửa tạm thời để khắc phục. Mong doanh nghiệp của Việt Nam phải xác định rõ ràng mình làm thật, làm trung thực, tuân thủ chặt chẽ quy định của thị trường nước ngoài thì mới tồn tại và phát triển được”.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kể câu chuyện ngành tôm: “Trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh quốc tế như Ecuador có các vùng nuôi hàng nghìn ha, dùng máy bay trực thăng để quản lý, thì quy mô ao nuôi tôm ở Việt Nam còn rất bé, khó tập trung sản xuất năng suất cao để có chất lượng ổn định, giá thành tốt. Chúng ta đang phải thu gom từ các hộ nuôi nhỏ lẻ, qua nhiều khâu trung gian, đại lý, dẫn tới chất lượng, năng suất không sánh nổi đối thủ”.
Trong thời đại mà “ai nắm được thông tin dữ liệu thì người đó chiến thắng”, đại diện VASEP băn khoăn: “Chúng ta đang rất thiếu thông tin về đối thủ như Ecuador hay Ấn Độ. Rất mong các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương chia sẻ thêm thông tin với hiệp hội, doanh nghiệp và bà con nông dân. Phải biết người biết ta thì mới trăm trận trăm thắng”.
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho gạo Việt, trong đó có đề xuất: “Nông dân phải đăng ký mã số vùng trồng để có thể tổ chức sản xuất lớn và truy xuất được nguồn gốc nông sản. Vẫn có tình trạng nông dân sử dụng các chất cấm hoặc không tuân thủ quy trình phun xịt hóa chất dẫn đến dư lượng hóa chất cao hơn quy định mà không có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi đưa ra thị trường. Cần truy xuất được nguồn gốc nông sản khi có sự cố xảy ra”.
Liên quan mặt hàng gạo, TS. Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu chiến lược – chính sách công thương, Bộ Công Thương thông tin: Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu có quy định cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng thời áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh. Mặc dù gạo Việt đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, nhưng vẫn chưa xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc do chất lượng gạo chưa ổn định, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao, quy trình sản xuất và chế biến phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đạt chứng nhận quốc tế.
Cũng theo TS. Trần Thị Thu Hiền, nông sản Việt Nam đang có nguy cơ chịu thuế cao vì sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản. Nông sản Việt sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước, gồm những yêu cầu khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…
Ứng dụng công nghệ số để tăng sức cạnh tranh
Trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và thứ hai khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022 (11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD).
Tới nay, Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Với những lợi ích như ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường sẽ đầu tư vào ngành nông nghiệp nước ta. Không ít doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp nội địa. Nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp Việt vẫn còn yếu kém. Theo nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư đầy đủ, chưa cập nhật công nghệ sản xuất, thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Hầu hết máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành công nghiệp chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ưu đãi đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp. Những vấn đề này dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và khó cạnh tranh trên thị trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt xuất khẩu, TS. Trần Thị Hồng Minh khuyến nghị: Cần thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp tiếp cận tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số. Đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế; nhanh chóng đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt sang các thị trường lớn, trọng tâm.
TS. Trần Thị Thu Hiền cũng nhận định: Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu.
Đầu tư khởi nghiệp trong nông nghiệp
Tại Nghị quyết số 35 ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 – 100.000 doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Chỉ còn 7 năm nữa, và nếu muốn đạt được mục tiêu nêu trên thì mỗi năm chúng ta sẽ phải tăng thêm số lượng rất lớn doanh nghiệp. Câu chuyện quan trọng giờ đây là tổ chức khởi nghiệp trong nông nghiệp thế nào”, ông Bạch Đông Nam, Chuyên gia nghiên cứu, Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ nêu vấn đề.
Bàn về câu chuyện này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận xét: Nhiều công nghệ mới đã được startup tại Việt Nam ứng dụng như blockchain hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; hoặc ứng dụng công nghệ để dự báo thời gian thực về điều kiện thời tiết, khí hậu… Hoạt động hỗ trợ startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đã có một số tỉnh đang triển khai, tuy nhiên, kết quả có thể chưa được như kỳ vọng.
Có lẽ tầm quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đã được các cấp ngành từ Trung ương tới địa phương nhận rõ.
Vì thế, trong số những nhiệm vụ giải pháp lớn thúc đẩy triển khai doanh nghiệp nông nghiệp được TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đề cập, đã có nội dung “Hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn”.
Tuy nhiên, thực tế triển khai có đạt hiệu quả như kỳ vọng mong muốn hay không vẫn là câu chuyện ở tương lai.