Làm gì để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành quế ?

Là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 300 triệu USD mỗi năm, tuy nhiên Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu quế ở dạng nguyên liệu thô, quy mô nhỏ, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.

Với diện tích khoảng 180.000 ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ… trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương. Quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh, Brazil, Indonesia…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Triệu Văn Lực, qua theo dõi có thể nhận thấy, ngành quế chưa phát huy tương xứng với tiềm năng lợi thế. Nguyên nhân là do chưa tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản vẫn còn yếu; thiếu các sản phẩm quế chất lượng cao. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… quế Việt Nam muốn vào thị trường EU đòi hỏi chất lượng quế phải cao và đáp ứng quy định không gây mất rừng do Ủy ban châu Âu (EC) quy định. Đây là một trong những điều người dân phải chú ý trong tổ chức sản xuất cây quế trong thời gian tới.

Đánh giá về tiềm năng của ngành quế xuất khẩu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, thị trường thế giới đang có nhu cầu cao về các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, chống chọi dịch bệnh như gừng, nghệ, quế… Tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế và đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, nhưng theo bà Hoàng Thị Liên, ngành quế Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng.

Đáng chú ý, đây cũng là sản phẩm chịu tác động trước xu hướng tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải, carbon; sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hiện Việt Nam vẫn chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường.

Theo Báo Hải quan