Khủng hoảng Biển Đỏ cũng có thể làm tăng lạm phát toàn cầu

Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển và chi phí vận tải tăng phi mã. Nếu kéo dài, cuộc khủng hoảng có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng 2%.

Ngày 26-1, tàu chở hàng Marlin Luanda trúng tên lửa của Houthi khi đang đi trên Biển Đỏ - Ảnh: X/IRAN OBSERVER

Ngày 26-1, tàu chở hàng Marlin Luanda trúng tên lửa của Houthi khi đang đi trên Biển Đỏ – Ảnh: X/IRAN OBSERVER

Theo Hãng tin AP, cuối tháng 10-2023, nhóm phiến quân Houthi (hiện chiếm phần lớn lãnh thổ Yemen) bắt đầu tấn công các tàu hàng và tàu chiến Mỹ hộ tống chúng trên Biển Đỏ.

Houthi khẳng định hành động này nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ với cuộc chiến đấu chống lại Israel của một nhóm vũ trang Hồi giáo khác – phong trào Hamas của người Palestine ở Dải Gaza.

Với việc Houthi kiểm soát phần đất liền ngay khu vực eo biển Bab el-Mandeb – cửa ngõ độc đạo ra vào phía nam Biển Đỏ, hầu như không tàu bè nào qua đây an toàn trước nguy cơ bị nhóm này tấn công.

  • Tin tức thế giới 1-2: Mỹ dập sớm tên lửa Houthi sắp bắn máy bay; Cơ hội ngừng bắn 6 tuần ở Gaza

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giao thương thế giới khi Biển Đỏ là đường biển duy nhất dẫn từ Ấn Độ Dương vào kênh đào Suez để đi ra Địa Trung Hải. Nói cách khác, đây là con đường biển ngắn nhất để hàng hóa đi từ châu Á sang châu Âu.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các hãng tàu thương mại lớn đã quyết định từ bỏ đường tắt này và chọn đi vòng qua châu Phi. Điều này khiến thời gian di chuyển tăng hơn 25%, giáng đòn mạnh thẳng vào chuỗi cung ứng thế giới.

“Những gì đang diễn ra là sự hỗn loạn ngắn hạn, và sự hỗn loạn sẽ dẫn đến giá cả tăng. Mỗi chuyến tàu phải đổi hải trình chở 10.000 container. Điều này đồng nghĩa với chừng đó các email và cuộc gọi cần được thực hiện để tính toán lại đường đi của từng chiếc”, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý chuỗi cung ứng Flexport Ryan Petersen cho biết.

Họa vô đơn chí, ngành vận tải biển toàn cầu còn phải khốn đốn trước việc kênh đào Panama – tuyến đường tắt trên biển quan trọng hàng đầu khác – đang không hoạt động tối đa công suất do hạn hán.

Với thiết kế âu tàu, tức dùng nước để nâng tàu đi từ chỗ trũng sang chỗ cao hơn, việc vận hành kênh đào Panama phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nước.

Hiện tại vẫn ổn, để lâu sẽ “hư”

So sánh chiều dài hải trình từ châu Á sang châu Âu theo đường Biển Đỏ và đường vòng qua châu Phi - Đồ họa: AP/NGỌC ĐỨC chuyển ngữ

So sánh chiều dài hải trình từ châu Á sang châu Âu theo đường Biển Đỏ và đường vòng qua châu Phi – Đồ họa: AP/NGỌC ĐỨC chuyển ngữ

Công ty Man & Machine chuyên sản xuất trang thiết bị cho bệnh viện là một trong những nạn nhân điển hình của việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Công ty có trụ sở tại bang Maryland (bờ đông Mỹ) này đang đợi một lô vật liệu từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Thông thường, lô này sẽ đi từ châu Á qua Ấn Độ Dương, qua Biển Đỏ và kênh đào Suez để ra Địa Trung Hải. Từ đây, tàu sẽ vượt Đại Tây Dương để đến Maryland.

Việc không thể đi tuyến Biển Đỏ buộc lô hàng trên chuyển sang phương án vượt Thái Bình Dương, qua kênh đào Panama để đến bờ đông nước Mỹ. Tuy nhiên lô hàng này đã bị chặn ở đây do tình hình cạn nước.

Do đó, lô hàng trên có thể phải dùng đến phương án thứ ba: vòng lại Thái Bình Dương, đến thành phố Los Angeles ở bờ tây nước Mỹ. Từ đây, một xe tải chở lô hàng trên sẽ đi qua toàn bộ chiều ngang nước này để đến Maryland.

  • Biển Đỏ có gì mà Mỹ lập liên quân 10 nước để bảo vệ?

Lô hàng trên cho thấy rõ tầm quan trọng của Biển Đỏ, cũng như mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên tuyến đường phục vụ đến 20% lượng container và 10% thương mại đường biển toàn cầu này.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ vẫn chưa ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng thế giới. Những điều chỉnh của các doanh nghiệp sau sự đứt gãy giai đoạn đại dịch COVID-19 đã tăng đáng kể sức chịu đựng của chuỗi này.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm của người dân nhiều nơi đang ở mức thấp do chính sách thắt chặt kinh tế của các chính phủ. Việc sản xuất ồ ạt để đáp ứng nhu cầu tăng vọt ngay sau đại dịch cũng giúp các doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho lớn, đủ giúp họ đáp ứng nhu cầu thị trường một thời gian dù thiếu nguyên vật liệu sản xuất.

Tuy nhiên nếu không kết thúc sớm, cuộc khủng hoảng hoàn toàn có thể để lại hậu quả dài hạn cho kinh tế thế giới. Ngay bây giờ, chi phí vận chuyển một container tiêu chuẩn từ châu Á sang Bắc Âu đã tăng từ 1.500 USD hồi cuối tháng 12-2023 lên đến 5.500 USD.

Với những chủ tàu can đảm vẫn chọn đi qua Biển Đỏ, phí bảo hiểm cho họ đã tăng lên gấp 10 lần, theo Hãng tin Bloomberg.

Ông Petersen khẳng định nếu kéo dài một năm, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ có thể đẩy tỉ lệ lạm phát hàng tiêu dùng lên đến 2%, đảo ngược toàn bộ nỗ lực kiềm chế lạm phát của thế giới trong thời gian qua.

Theo Tuổi Trẻ