Trả lời phỏng vấn CNBC, nhà kinh tế trưởng của HSBC, Paul Bloxham, nhận định thị trường hàng hóa toàn cầu đang trong tình trạng “siêu siết chặt” do gián đoạn nguồn cung và thiếu đầu tư. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn dưới tác động của rủi ro địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Theo ông Bloxham, sự siết chặt thể hiện qua tình trạng giá cao hơn do hạn chế về nguồn cung hơn là do nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Ông cho rằng các yếu tố về phía nguồn cung vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ giá hàng hóa tăng cao, bên cạnh các vấn đề khác như bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và thiếu đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Tình trạng siết chặt có thể trầm trọng hơn hoặc kéo dài hơn nếu các vấn đề liên quan đến địa chính trị, biến đổi khí hậu hoặc chuyển đổi năng lượng tác động mạnh hơn dự kiến.
Biến đổi khí hậu thường làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Bloxham, việc thế giới theo đuổi một tương lai không carbon đang thúc đẩy nhu cầu về các kim loại hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng như đồng và niken.
Tuy nhiên, không có đủ khoản đầu tư được phân bổ để thu mua các khoáng sản quan trọng này. Tình trạng này dẫn đến nguồn cung đối với các kim loại sẽ siết chặt hơn – đặc biệt là đồng, nhôm và niken.
Tại hội nghị về chống biến đổi khí hậu COP28 gần đây, hơn 60 quốc gia đã ủng hộ kế hoạch tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030. Đây là một bước tiến cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng thêm nhu cầu về kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi.