Ngày 31/8/2023, tại Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Dấu chân carbon và giải pháp giảm phát thải trong chuỗi cung ứng do Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn – CRED, Tổ chức Sáng kiến gia vị bền vững (IDH) và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Nedspice Việt Nam) phối hợp đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của các thành phần chính trong chuỗi cung ứng gồm nông dân sản xuất quế tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đại diện chính quyền địa phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Bộ Công Thương, Hội nông dân Lào cai…) các tổ chức hỗ trợ như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, IDH, CRED, Prefer by Nature, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Hiệp hội Thực phẩm minh bạch AFT, Liên minh Thương mại Đa dạng sinh học có đạo đức UEBT, TT nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, TT Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kết quả nghiên cứu ban đầu đo lường và đánh giá dấu chân Carbon bằng các công cụ SSI, CFT và các giải pháp gợi mở giảm phát thải trong chuỗi cung ứng của ngành quế và gia vị, cà phê, trồng rừng đổi chứng chỉ carbon… Cũng tại Hội thảo, đại diện UEBT Đông Nam Á đã trao chứng nhận UEBT/RA chuỗi nguyên liệu quế tại Yên Bái cho công ty Nedspice Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội cũng chia sẻ và trao đổi với chuyên gia, các tổ chức chứng nhận về gợi ý các giải pháp xử lý vấn đề bền vững trong các đồi Quế hiện nay để đáp ứng yêu cầu cải thiện chất lượng theo quy định thị trường nhập khẩu gắn với vấn đề phát triển bảo tồn rừng, tiêu chí giảm thải các bon. Thời gian tới Hiệp hội sẽ phối hợp với các tổ chức, các đối tác liên quan, các doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động cho cây Quế. Bên cạnh các chương trình chứng nhận chất lượng Organic của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội trong các sản phẩm gia vị như Hồ tiêu, Quế…, Bà đánh giá cao và chúc mừng nỗ lực lớn của công ty Nedspice cùng đồng hành với các công ty hội viên khác như công ty Sơn Hà, Ptexim, Olam… phấn đấu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì một ngành gia vị phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam theo quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về biến đổi khí hậu tầm nhìn 2050 trong đó đến năm 2030 yêu cầu các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải; đến năm 2050, các cơ sở có mức phát thải hằng năm từ 200 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã phải cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày… Sau đó, giai đoạn từ 2026-2030, các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ nhằm hoàn thành cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đáng chú ý, EU, một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, mới đây đã ban hành đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Trong giai đoạn đầu 1.10.2023 đến 31.12.2025, các nhà nhập khẩu những nhóm mặt hàng gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydrogen từ các quốc gia bên ngoài EU cần khai báo phát thải khí nhà kính trong các hàng hóa nhập khẩu – nhưng chưa phải nộp thuế. Giai đoạn thứ hai, từ năm 2026, nhà nhập khẩu sẽ phải khai báo hàm lượng dấu chân carbon trong sản phẩm, cần tính chứng chỉ CBAM (carbon tương tương) và phải trả tiền cho chính phủ tại quốc gia trong EU, nơi hàng hóa được nhập khẩu.
Như vậy, có thể thấy, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến trung hòa carbon đã trở thành mục tiêu chung toàn cầu, đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp trong dòng chảy hội nhập. Bài toán này không chỉ hiện hữu với các doanh nghiệp đang là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà cả với các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường xuất khẩu. Nếu không nhanh chóng thực hiện các biện pháp giải pháp giảm phát thải, trong tương lai gần, khi xuất khẩu, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu mức thuế carbon rất lớn, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh. Và khi các tiêu chuẩn xanh ngày cà ng được nâng cao, tại nhiều thị trường quốc tế, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được hoặc không có lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh đến từ những quốc gia khác, cánh cửa xuất khẩu có thể sẽ dần thu hẹp.
Chính vì thế, chủ động tìm hiểu, cải thiện quy trình sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải, hướng đến trung hòa carbon và có lộ trình cụ thể là điều cần thiết để đáp ứng các quy định, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế mới. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đây chính là cơ hội để thêm nhiều doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng và rộng hơn là cả nền kinh tế. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, đạt mức trung hòa carbon, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu net zero. Như vậy, càng nhiều doanh nghiệp cùng tham gia giảm phát thải thì mục tiêu trung hòa carbon càng gần đích đến. Khi có mạng lưới doanh nghiệp cùng nỗ lực trung hòa carbon gắn kết với nhau sẽ giúp đẩy nhanh mục tiêu net zero.
VPA tổng hợp