Để phát triển ngành hồ tiêu, gia vị bền vững, đáp ứng thị trường, cần tổ chức lại sản xuất; tập huấn cho nông dân canh tác bền vững, giảm sử dụng thuốc BVTV…
Liên kết bền vững nông dân – doanh nghiệp
Nhóm công tác Đối tác công – tư về Hồ tiêu được thành lập vào năm 2015 với mục đích hỗ trợ sản xuất hồ tiêu canh tác bền vững. Năm 2023, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam được đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam. Ngày 27/9/2023, Bộ NN-PTNT chính thức ra Quyết định số 3970 về việc điều chỉnh quyết định thành lập Nhóm công tác Đối tác công – tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị, được đồng chủ trì bởi Cục Bảo vệ thực vật, Cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) và IDH Việt Nam.
Nhằm đánh giá hoạt động trong năm 2023 của Nhóm công tác Đối tác công – tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị (gọi tắt là Nhóm công tác PPP), cũng như đề ra các phương hướng hoạt động trong năm 2024-2025, ngày 23/11, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp VPSA, IDH Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị năm 2023.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam đã có những thành tích đáng kể trong 20 năm qua và được Chính phủ, Nhà nước quan tâm. Việt Nam hiện chiếm 11% thị phần xuất khẩu gia vị thế giới, trong đó đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu là hồ tiêu và quế. Qua đó, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam nói chung, cải thiện đời sống của đồng bào thiểu số, vùng sâu vùng xa khó khăn.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng xuất khẩu gia vị Việt Nam đạt trên 355.500 tấn, đạt giá trị hơn 1,126 tỷ USD, giảm 5% về mặt giá trị, tăng 24,9% về mặt lượng. Trong đó, hồ tiêu đạt trên 223.500 tấn, tăng 14,6% về lượng, nhưng giảm 11,7% về giá trị, chỉ đạt 751 triệu USD; quế đạt 74,7 tấn, tăng 19,2% về lượng và giảm 1,3% về giá trị…
Tuy nhiên, để có được sản lượng xuất khẩu đạt trên 355.500 tấn là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, của bà con nông dân trong việc điều chỉnh dần canh tác theo hướng bền vững. Dự kiến, năm 2024, sản lượng xuất khẩu gia vị của Việt Nam sẽ đạt khoảng 400.000-500.000 tấn và giá trị hàng hóa cũng tăng lên, nếu có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hồ tiêu và gia vị.
Tính đến ngày 20/11, châu Âu đã đưa ra quy định mức MRLs cho 513 hoạt chất trên cây tiêu; Hoa kỳ quy định 8 hoạt chất.
Đánh giá về kết quả thực hiện dự án với sự hỗ trợ của IDH Việt Nam, bà Liên cho biết, dự án đã giúp VPSA có nguồn lực để xây dựng app ghi sổ khảo sát mùa vụ hàng năm. Thông qua app này, hỗ trợ miễn phí cho bà con, doanh nghiệp làm công tác ghi sổ nhật ký canh tác; truy xuất nguồn gốc… Từ đó, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, cập nhật cho người mua, tăng độ uy tín, tin cậy của thông tin đưa ra thị trường. Từ đó, tạo thêm niềm tin từ người mua, từ thị trường trong việc quản lý sản xuất tại vùng nguyên liệu một cách bài bản có hệ thống trên hạ tầng số.
Chủ tịch VPSA khuyến nghị, để phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp buộc phải chủ động củng cố kiến thức, hội nhập thương mại quốc tế, thị trường, gia tăng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, tăng liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đánh giá thực trạng của ngành về vấn đề dư lượng thuốc BVTV.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Quản lý Chương trình, IDH Việt Nam, mục tiêu chiến lược của Nhóm đối tác công tư PPP về ngành Hồ tiêu đến năm 2025 là 70% hồ tiêu Việt Nam đạt yêu cầu dư lượng MRL; 25% nông dân sản xuất hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông đân được tập huấn, tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá thì ước tính đến cuối năm 2023, với sự nỗ lực của các bên, cũng như sự tham gia của người nông dân, mục tiêu này đã đạt những kết quả ấn tượng. Ước tính đến hết năm 2023, có 60% sản lượng hồ tiêu đạt yêu cầu về dư lượng; 10% nông dân trồng tiêu tăng 20% thu nhập; 8.000 nông đân được tập huấn, tiếp cận dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, có 120.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững và 15% giảm lượng nước sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo bà Quyên, nhờ sự can thiệp tích cực Nhóm công tác Đối tác PPP, cũng như sự hưởng ứng của người nông dân trong nhận thức và thay đổi tập quán canh tác, tỷ lệ các hoạt chất cấm sử dụng trên cây hồ tiêu giảm qua các năm.
Do đó, để hỗ trợ bà con phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị, trong năm 2024, Nhóm công tác Đối tác PPP sẽ phối hợp với các bên giám sát và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp, đặc biệt sử dụng thuốc BVTV đúng cách. Đồng thời, Nhóm sẽ thực hiện dự án Lao động trẻ em; Hoàn thiện hồ sơ kiến nghị mức dư lượng cho hồ tiêu Việt Nam vào thị trường Mỹ; Huy động nguồn lực và các bên liên quan xây dựng và triển khai các hoạt động trong chiến lược của nhóm PPP đã đề ra.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Nguyễn Thủy.
Đánh giá về hoạt động của Nhóm công tác Đối tác công – tư PPP về hồ tiêu và gia vị, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng, đây là một trong những nhóm hoạt động tích cực, sôi nổi và có hiệu quả.
Theo ông Dương, để phát triển ngành hồ tiêu và gia vị bền vững, phù hợp với các yêu cầu của thị trường, thì vấn đề cốt lõi hiện nay là “giải bài toán” tổ chức sản xuất; tập huấn cho nông dân canh tác bền vững, giảm sử dụng thuốc BVTV; liên kết sản xuất an toàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, hồ tiêu hữu cơ, bền vững, giảm phát thải.
“Trong vấn đề tổ chức sản xuất, chúng tôi cam kết đồng hành và phối hợp cùng với bên liên quan, đặc biệt là khuyến nông các địa phương để nhân rộng các mô hình điểm”, Phó Cục trưởng Cục BVTV nói và cho biết thêm, Cục BVTV, Sáng kiến Gia vị bền vững (SSI) và Tổ chức IDH đã ký kết biên bản ghi nhớ đối tác phát triển sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam.
Chia sẻ về Bộ công cụ đánh giá rủi ro, ông Tamás Sarkadi, Chủ tịch, Diễn đàn Sáng kiến Gia vị bền vững (SSI) cho biết, bộ công cụ này sẽ hoàn thành trong vài tháng tới với mục đích nhằm đánh giá rủi ro trên từng quốc gia, trên từng loại cây trồng.
Cụ thể tại Việt Nam, thông qua bộ công cụ này sẽ chỉ ra được đâu là loại rủi ro cao nhất đối với từng loại cây trồng, tại 1 địa phương cụ thể. Những thông tin này sẽ được sử dụng một cách rộng rãi cho các bên mua hàng, cũng như cung cấp đánh giá đầy đủ, xác định bản đồ rủi ro cho Nhóm công tác PPP và VPSA tham khảo, từ đó đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo ông Tamás Sarkadi, Việt Nam có đủ năng lực để giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay là dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu và cây gia vị. Đây là thời điểm để tiếp cận một cách hệ thống hơn, bao quát hơn, đồng bộ hơn.