Sáng 5/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả công tác và những tồn tại, hạn chế trong 6 tháng vừa qua, từ đó xây dựng phương hướng và kế hoạch công tác trong 6 tháng cuối năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai công tác trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen như biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột địa chính trị làm gián đoạn nguồn cung trên thế giới, trong nước thì xâm nhập mặn, các nguy cơ về cháy rừng cũng như dịch bệnh trên đàn động vật vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Bộ và toàn Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt kết quả cao kỷ lục trên 29 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 3,38%, đây là mức cao so với 5 năm trở lại đây, chỉ thấp hơn năm 2021 (3,7%); trong đó, trồng trọt tăng 2,13%, chăn nuôi 4,94%, lâm nghiệp tăng 5,34% và thủy sản tăng 3,76%.
Điểm nổi bật nhất trong trồng trọt là sản xuất lúa, tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng. Sản lượng trên diện tích lúa cả nước đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và khả năng đạt trên 43 triệu tấn lúa trong cả năm 2024. Giá lúa hiện tại tương đối cao, bà con nông dân phấn khởi vì lúa được mùa được giá.
Chăn nuôi tăng trưởng tốt, với đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%; Gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%; Đàn trâu ước giảm 3,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Đàn bò ước giảm 0,9%; sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Thủy sản thuận lợi cả về khai thác và nuôi trồng, với tổng sản lượng đạt 4,38 triệu tấn tăng 2,7%, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,95 triệu tấn, tăng 1,0%; sản lượng nuôi trồng đạt 2,43 triệu tấn, tăng 4,1%.
Xuất khẩu NLTS là một điểm sáng, đạt 29,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Xuất siêu tăng cao 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2023, nếu tính xuất siêu cả nước thì ngành nông nghiệp chiếm khoảng 72%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024
Mục tiêu trong cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành NLTS ước đạt 3,2 – 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS phấn đấu đạt 57-58 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79-80%, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 290 huyện.
Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan, đơn vị cần triển khai đồng bộ các luật, chiến lược, chương trình, đề án. Chỉ đạo sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường để đảm bảo mùa vụ đạt kết quả cao, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường kịp thời chỉ đạo nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả. Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU để tháo gỡ được thẻ vàng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao thành tích đạt được của toàn Ngành trong 6 tháng đầu năm trong bối cảnh khó khăn thách thức rất lớn. Lĩnh vực xúc tiến thương mại đã có chuyển biến tích cực, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, đứng đầu là lâm nghiệp đạt 7,95 tỷ USD (tăng 21,2%); thủy sản 4,36 tỷ USD (tăng 4,9%); rau quả 3,43 tỷ USD (tăng 28,1%); cà phê 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%), lúa gạo 2,98 tỷ USD (tăng 32%) với khối lượng đạt 4,68 triệu tấn.
Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị có liên quan lấy ý kiến để hoàn thành dự thảo Nghị định chi tiết về Đất trồng lúa; hoàn chỉnh bộ hồ sơ trình Chính phủ đưa vào sửa đổi, bổ sung Luật Trồng trọt. Chỉ đạo sản xuất các vụ Mùa, Hè Thu, Thu đông trong thời gian tới cần tập trung các giải pháp kỹ thuật, đôn đốc kiểm tra các đơn vị thực hiện để duy trì kết quả tốt của lĩnh vực trồng trọt trong 6 tháng cuối năm.