Trao đổi với Tạp chí Hải quan, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triều Dương – một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu tinh dầu quế tại tỉnh Lào Cai, cho biết, hiện đang là thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch quế, nhưng công ty không dám sản xuất nhiều, việc ký kết đơn hàng xuất khẩu cũng rất thận trọng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ lo ngại không thể xuất khẩu được tinh dầu quế do vướng quy định.
Ông Thắng cho biết, năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 48/2018/TT-BYT ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, nhiều mặt hàng như tỏi, gừng, hành, sả; các loại tinh dầu quế, cam, chanh, sả… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu. Cụ thể, khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược.
Hệ thống thiết bị sản xuất tinh dầu quế tại Công ty Triều Dương. Ảnh: DNCC |
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng một loạt tiêu chí về nhà xưởng, phương tiện, thiết bị chế biến, điều kiện vệ sinh, trình độ nhân viên… theo quy định của Thông tư 35/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong khi sản phẩm tinh dầu quế chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, vệ sinh nhà cửa…, nên việc quản lý như vậy là không cần thiết và gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Y tế đã gỡ vướng cho doanh nghiệp bằng cách cho phép doanh nghiệp được khai báo theo mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, Bộ Y tế lại yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu khai báo theo mã HS 3301.29.10 (mã HS của nhóm tinh dầu quế, sả, gừng…) phải thực hiện theo quy định pháp luật về dược. Như vậy, mặt hàng tinh dầu quế lại quay trở lại tình trạng vướng mắc tương tự như giai đoạn trước đó.
Vướng mắc kể trên không phải là câu chuyện của riêng công ty Triều Dương. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái đều gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do phải đáp ứng quy định về kinh doanh dược liệu. Theo đó, quy định này không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ cũng như năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ của ngành chế biến tinh dầu quế của Việt Nam hiện nay. Do đó làm phát sinh rất nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện trong khi đây là sản phẩm giá trị gia tăng, giúp khai thác và tận dụng tối đa 100% giá trị cây quế.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, sản phẩm tinh dầu quế yêu cầu công nghệ chế biến và tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, là sản phẩm tận thu của cây quế, cành lá khi cắt tỉa (tỷ lệ sản xuất là 150 tấn lá cành cho ra 1 tấn tinh dầu) và không sử dụng làm thuốc mà chủ yếu được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Nguyên liệu sản xuất tinh dầu quế là phần cành lá được tận dụng khi cắt tỉa. Ảnh: DNCC |
Ông Thắng cũng cho rằng quy định này là không phù hợp bởi tinh dầu quế là sản phẩm tận thu từ cành lá, nên dược tính thấp hơn rất nhiều so với vỏ quế. Trong khi đó, sản phẩm vỏ quế đã được loại ra khỏi danh mục chịu sự quản lý về dược. Thậm chí, nhìn rộng ra các ngành sản xuất tinh dầu khác như sả, gừng… có giá trị thấp hơn, khả năng đáp ứng các quy định như trên của Bộ Y tế sẽ càng khó khăn. Điều này vô hình chung đã đóng luôn cánh cửa xuất khẩu của những mặt hàng này.
Theo VPSA, trước những khó khăn như trên, tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn không thể xuất khẩu và ước tính hết vụ quế vào tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu nữa. Giá trị thị trường của tinh dầu quế hiện khoảng 400 triệu đồng/tấn.
Nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung và tinh dầu quế nói riêng là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm trên thế giới rất lớn. Trong tương lai các cây gia vị khác của Việt Nam cũng có khả năng phát triển chế biến sâu là sản phẩm tinh dầu. Do đó, VPSA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ để việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng và nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ giảm phát thải carbon, là sinh kế của bà con dân tộc vùng cao.
VPSA và các địa phương cũng đã báo cáo các Bộ Nông nghiệp, Công Thương, Tổng cục Hải quan và đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu.