Giá cước container tăng phi mã vì căng thẳng Biển Đỏ
Những xung đột gần đây ở Biển Đỏ đã khiến các công ty vận chuyển hàng hóa lớn trên toàn cầu phải lo lắng. Nhưng đây dường như không phải là vấn đề duy nhất mà các hãng vận tải lớn phải đối mặt khi năm 2024 bắt đầu.
Những gã khổng lồ trong ngành vận tải biển như Maersk cho biết ngành công nghiệp này phải đối mặt với khả năng bị gián đoạn đáng kể.
Theo đó, hạn hán khiến việc di chuyển qua kênh đào Panama chậm lại. Đặc biệt, căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đỏ thời gian gần đây đã buộc các hãng tàu phải thay đổi tuyến đường, đi qua Mũi Hảo Vọng. Điều này kéo theo thời gian di chuyển dài hơn 8 – 21 ngày với các tuyến tàu kết nối giữa Châu Á và Trung Đông tới khu vực Châu Âu, kéo theo chi phí vận tải cũng lớn hơn.
Hiện 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Đồng thời, số lượng container vận chuyển qua kênh đào này chiếm 23% tổng số lượng container vận chuyển bằng đường biển trên thế giới theo báo cáo của Clarksons.
Theo dữ liệu từ MacroMicro, chỉ số giá cước container thế giới Drewry WCI tính đến ngày 4/1 ở mức 2.670 USD/FEU (Container 40 feet), cao hơn 61% so với thời điểm trước đó một tuần và cao hơn 82% so với thời điểm 1 tháng trước.
Cước tàu các tuyến đường từ châu Á đến Châu Âu và Mỹ đều tăng mạnh. Điển hình như cước tàu đi từ Thượng Hải đến New York tại thời điểm 4/1 là 3.858 USD/FEU, tăng so mức giá khoảng 3.000 USD/FEU cách đó một tuần. Nếu so sánh với thời điểm đầu tháng 12/2023, mức giá này tăng khoảng 50%.
Hay cước tàu đi từ Thượng Hải đến cảng Rotterdam (Hà Lan) tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 14 ngày lên 3.577 USD/FEU.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra quan ngại trước đợt tăng của giá cước tàu. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết do lưu lượng hàng hóa trong 2023 ít nên nhiều tuyến cắt bớt tàu mẹ. Khi hành trình kéo dài dẫn đến vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến phải cắt bỏ 1 số chuyến hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
“Đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản”, VASEP nhận định.
Giá cước tàu có thể tăng hơn nữa
Những diễn biến giá cước tàu trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bất ngờ. Tuy nhiên, đà tăng được dự báo sẽ chưa dừng lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng phân tích cổ phiếu, phụ trách chính nhóm ngành Vận tải thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nếu tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ kéo dài, tác động đối với cước tàu sẽ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong quý II và quý III.
Ông Giang phân tích ở thời điểm hiện tại đang là mùa thấp điểm, trong khi nguồn cung container và tàu vẫn dồi dào do kết quả từ khá nhiều đơn đặt đóng tàu và container mới trong giai đoạn 2020-2022. Tuy nhiên, giá cước tàu vẫn tăng gấp đôi do các hãng vận tải biển phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.
“Nếu tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ chưa được giải quyết, chúng ta có thể chứng kiến tác động lên ngành vận tải biển thậm chí còn lớn hơn rất nhiều trong quý II và III, bởi đây là những quý cao điểm. Quý II là cao điểm nhập nguyên liệu còn quý III và IV là cao điểm của xuất khẩu hàng hoá”, ông Giang nói.
Ông Giang so sánh chuỗi vận chuyển hàng hoá qua đường biển giống như một vòng quay đồng hồ. Thông thường, container của các đội tàu có thể mất 1-3 tháng để đi hết một vòng tròn tức đi từ điểm xuất khẩu đến điểm nhập khẩu, sau đó quay lại. Nhưng nếu “vòng quay” đó kéo dài thêm 1/3 thì sẽ xảy ra tình trạng mất cân bằng container và chuỗi cung ứng. Việc các hãng tàu mất nhiều thời gian hơn đi chuyển (do phải đi đường vòng) sẽ là tác nhân khiến “vòng quay” container bị kéo dài ra.
Ngoài ra, dù tăng mạnh trong thời gian qua, giá cước container vẫn ở mức nền thấp, thậm chí thấp hơn cả 1 số thời điểm trước đại dịch COVID-19, ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới suy yếu, nhu cầu thương mại hàng hoá giảm nên năm nay không có giai đoạn cao điểm như hàng năm.
Do đó ông Giang cho rằng: “Nếu căng thẳng Biển Đỏ kéo dài, giá cước vận chuyển container quốc tế trong quý II và III có thể tiếp tục tăng mạnh từ nền cước thấp tại thời điểm hiện tại, và sẽ thay đổi bức tranh của ngành vận tải container toàn cầu trong năm 2024 theo hướng tích cực hơn so với các dự báo trước đó”.
Tuy nhiên, ông Giang cũng cho rằng không thể kỳ vọng giá cước tàu container tăng phi mã gấp 4-5 lần như giai đoạn 2020-2022 bởi bối cảnh rất khác nhau. Năm 2020-2022, do ảnh hưởng ảnh hưởng bởi COVID-19 nên chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy tại nhiều điểm, ví dụ nhiều cảng tại Mỹ không có công nhân xếp dỡ, nhà máy bị phong toả vì COVID-19….
Thêm vào đó, sự kiện tắc nghẽn kênh đào Suez vào tháng 5/2021 càng đẩy tình hình căng thẳng lên cao. Lúc đó, nguồn cung tàu và container không đủ để bù đắp vào sự thiếu hụt do vòng quay container bị kéo giãn ra. Điều này gây nên tác động lan truyền và tạo nên áp lực rất lớn lên chuỗi cung ứng tại thời điểm đó.
Bối cảnh hiện tại đã khác, cước tàu tăng chủ yếu do hành trình kéo dài hơn về cả quãng đường và thời gian khi tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Do đó, nguồn cung tàu và container được bổ sung trong giai đoạn hiện tại (tăng khoảng 10% tổng công suất trong 2024) có thể sẽ giúp bù đắp một phần sự gián đoạn về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các tác động lên giá cước vẫn rất khó tránh.
Trong một thông báo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Ngoài ra, cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.
Các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.