Giá hồ tiêu đang duy trì ở mức cao và dự báo còn tiếp tục tăng khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung hạn chế.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, đến ngày 30/7, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại; trong đó tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD. Với kết quả đạt được thì với 5 tháng nữa, hồ tiêu hoàn toàn có thể trở lại con đường tỷ đô.
So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu hồ giảm 2,2%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng lần lượt 32,7% và 25% USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất. Tiếp theo là các thị trường Đức tăng 97,3%; UAE tăng 39,2%; Ấn Độ tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 nhưng so cùng kỳ giảm 84,6%.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, nguyên nhân khiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tăng cao do nguồn cung hồ tiêu trên thị trường thế giới đang khan hiếm.
Brazil hiện đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, chiếm 17 – 18% tổng nguồn cung toàn cầu. Do đó, tình trạng mất mùa liên tục tại Brazil sẽ gây ra tác động lan tỏa trên toàn cầu, dự kiến sẽ thúc đẩy giá tiêu toàn cầu tăng lên những tháng cuối năm 2024 khi nguồn cung tiêu từ các nước sản xuất lớn khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia… cũng đều suy giảm đáng kể.
Hiện nguồn cung hồ tiêu đang bị hạn chế trên toàn cầu do ảnh hưởng của El Nino. Về dài hạn trong 3 – 5 năm tới, lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
Trong tháng Bảy, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua bởi sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Thị trường hồ tiêu đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Giá cả sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), người sản xuất cần nhận thấy rằng hiện bắt đầu chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ tăng giá này kéo dài khoảng 10 năm.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tiếp sau đó là hiện tượng La Nina càng làm cho tâm lý người nông dân thêm xao động, nhất là trong thời điểm hiện tại giá sầu riêng và cà phê đang ở mức cao nên vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái canh hồ tiêu ồ ạt.
Qua khảo sát tại các vùng trọng điểm trồng tiêu của Việt Nam gồm 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông) và 3 tỉnh Đông Nam Bộ (Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu), ông Hoàng Phước Bính nhận định, diện tích trồng hồ tiêu đã giảm đến 50% so với thời kỳ cao điểm.
Từ thực tế này, theo ông Hoàng Phước Bính, chu kỳ tăng giá này trong bối cảnh nguồn cung sẽ còn thấp hơn so với những chu kỳ tăng giá trước.
Bởi nếu bây giờ nông dân chưa trồng, chưa tái canh thì 4 năm nữa chưa có nguồn cung bổ sung, trong khi đó còn hao hụt do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu. Chưa kể đến những diện được trồng xen canh cây hồ tiêu và sầu riêng (chờ cây sầu riêng lớn), nay sẽ phải nhường chỗ cho cây sầu riêng. Như vậy, 4 năm sau chưa có nguồn bổ sung thì chắc chắn giá hồ tiêu tiếp tục tăng, ông Hoàng Phước Bính chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo nhận định của VPSA, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các cây trồng khác như sầu riêng và cà phê, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đang là những nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu trở nên khó lường. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024.