Cục Hàng hải vào cuộc giám sát khi cước tàu biển tăng vọt

Trước diễn biến cước tàu biển tăng vọt, Cục Hàng hải Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan trong lĩnh vực tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển.

Cước tàu biển đang tăng mạnh

Trước diễn biến giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua, thống kê đầu tháng 6-2024.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết cước tàu biển biến động từng ngày. Hãng tàu báo giá theo tuần, chứ không còn kéo dài như trước từ 15 ngày đến 1 tháng.

Tháng 6-2024, cước tàu nhiều chuyến quốc tế đã tăng mạnh so với ba tháng trước đó. Trong đó cước tàu đi Mỹ tăng hơn gấp đôi.

Cụ thể, container 40 feet hồi tháng 3 là 2.950 USD thì nay tăng lên tới 7.350 USD. Trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng, nay chỉ báo giá theo tuần.

Cùng với đó, tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng ở châu Á và mất cân đối vỏ container phục vụ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các chi cục hàng hải và cơ quan chức năng, hiệp hội có liên quan tăng cường giám sát doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ chuyển hàng hóa container thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ tuân thủ quy định tại nghị định 146/2016.

Đồng thời, theo dõi báo cáo khi có tình hình tắc nghẽn các cảng biển. Cục Hàng hải cũng dự báo tình hình bất thường, mất cân đối vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.

Tăng giám sát giá hãng tàu ngoại

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng hải theo dõi số liệu thống kê việc tăng, giảm giá và phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu chở hàng đi châu Âu, Mỹ.

Chẳng hạn như Maersk, MSC, CMA, Evergreen, Cosco… Cần làm việc với đại diện hãng tàu trên tại Việt Nam, nắm bắt nguyên nhân tăng, giảm giá.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, họ đang tìm cách giảm bớt chi phí cước tàu. Trong đó, phương án tìm nhà cung cấp thay thế tạm thời nhưng không có nguy cơ mất đơn hàng, để tạm thời không gánh một chi phí lớn về cước phí.

Theo Tuổi trẻ.vn