Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang hình thành nên các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu quy định. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng này để có được lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn.
Ngày 15/6, Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội thảo “Xu hướng tiêu dùng xanh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, CIIS đã tổ chức một số chương trình về các chủ đề kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… cung cấp thông tin về các mô hình kinh doanh, xu hướng phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các FTA mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau và phải cân bằng.
Khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải thực thi các cam kết bằng cách nội luật hóa các quy định pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có các giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững như đã cam kết.
Theo ông Vũ, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ môi trường, bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh,… đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Việc chuyển đổi xanh thành công sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có được lợi thế đáng kể khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TPHCM nêu lên những quy định đáng lưu ý về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Luật bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách các thủ tục hành chính về môi trường trong quản lý các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đặc biệt là việc đưa ra công cụ quản lý thống nhất là Giấy phép môi trường. Đây là công cụ quản lý môi trường đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Hữu Nghị, Chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI (Hà Lan) nhìn nhận chuyển đổi sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội như tránh được lộ trình thuế cacbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh… đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Tuy nhiên, theo ông Nghị, một trong những thách thức lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.
Là doanh nghiệp nghĩ xanh, làm xanh để phát triển bền vững, Công ty Tái chế Duy Tân (DTR) đã có bước đi đầy bất ngờ vào kinh tế xanh và ghi dấu ấn tượng. Công ty Tái chế Duy Tân, một dự án tái khởi nghiệp của Nhựa Duy Tân, đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nhựa tái chế tại Việt Nam.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân giới thiệu về mô hình kinh tế tuần hoàn mà DTR đã ứng dụng, quy trình tái chế DTR đang thực hiện để sản xuất ra hạt nhựa tái chế và đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ – một thị trường khắt khe bậc nhất trên thế giới.
Với 100 trạm thu gom vệ sinh, gần 2.000 nhà cung cấp, chỉ tính riêng năm 2022, 1,3 tỷ chai nhựa đã được DTR thu gom và tái chế. Qua đó góp phần giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa tại Việt Nam.