Việc tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đang ngày càng thúc xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm Việt Nam cũng như là khẳng định vị thế về chất lượng, an toàn của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25 được tổ chức trong tuần Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40,41 tại Phnom Penh, Campuchia, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức khởi động đàm phán nâng cấp khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).
Các cuộc đàm phán nâng cấp nhằm đảm bảo rằng ACFTA góp phần vào việc làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc và phục hồi kinh tế sau đại dịch của cả hai khu vực. ACFTA là FTA lâu đời nhất của ASEAN trong số các FTA với các Đối tác đối thoại. Việc nâng cấp ACFTA sẽ gửi một tín hiệu đến khu vực tư nhân và tất cả các bên liên quan rằng cả ASEAN và Trung Quốc đều cam kết làm cho ACFTA phù hợp hơn với các doanh nghiệp, sẵn sàng trong tương lai và đáp ứng các thách thức toàn cầu.
Trong đàm phán nâng cấp Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) lần này, Việt Nam được tín nhiệm làm Chủ tọa các phiên đàm phán về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, việc chúng ta tham gia đàm phán SPS trong các hiệp định thương mại tự do cũng đã nâng tầm vị thế của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia/New Zealand…
Việc nâng cấp hệ thống cũng như là vai trò của SPS Việt Nam được ASEAN đánh giá cao. Điều đó được thể hiện Việt Nam là chủ tọa trong đàm phán nâng cấp ACFTA về SPS. Đây sẽ là cầu nối không chỉ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mà với các đơn vị liên quan trong kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm và hoạt động xuất nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam cũng như ASEAN xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc thời gian tới.
Đặc biệt là với việc nâng cấp này, các nội dung về SPS mà Việt Nam đã có trước đây với ASEAN, với Trung Quốc cũng sẽ được nâng cấp lên ngang tầm với các nội dung về SPS của các hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước.
Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh, trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Cục Hải quan Quảng Tây là đơn vị đầu mối làm đối tác với các nước ASEAN. Chúng ta đã có nhiều nhóm công tác về: an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Qua cơ chế trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN cũng như là giữa Việt Nam với Trung Quốc, các nhóm này hiện đang đóng vai trò rất tích cực trong vấn đề tiếp nhận thông tin, các mẫu giấy chứng thư về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc. Qua đó, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Qua đàm phán lần này, các bên sẽ thống nhất các nội dung về kỹ thuật để làm sao tạo thuận lợi cho thương mại. Đặc biệt, khi có các thay đổi liên quan đến các quy định về SPS, trách nhiệm mỗi bên sẽ có sự thông báo rõ ràng; cũng như xây dựng cơ chế để phối hợp để xử lý các vấn đề về kỹ thuật hoặc khi có bất cập về rào cản kỹ thuật thì hai bên cùng xử lý, thống nhất với nhau để làm sao thúc đẩy thương mại mạnh hơn nữa.
Thông qua cơ chế SPS, Trung Quốc cũng tiếp tục có những cam kết hỗ trợ cho các nước ASEAN như tăng cường về năng lực cho các nước như Lào, Campuchia… Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật của Trung Quốc để nâng cấp cũng như là tăng cường năng lực cho các cán bộ kỹ thuật trong các khâu liên quan đến chẩn đoán dịch bệnh động thực vật, an toàn thực phẩm.
Sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện, từ hệ thống luật pháp liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và ngay cả cơ quan quản lý. Các quy trình giám sát cũng tiếp cận với các yêu cầu tiên tiến.
Đặc biệt, trong chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp đều phải áp dụng HACCP, ISO… để làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là áp dụng quy trình sản xuất tốt để giám sát tất cả những mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến để đáp ứng được quy định của thị trường.
Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh: “Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời từ các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp, nhà sản xuất phải tuân thủ để giảm thiểu rủi ro khi kiểm soát hàng hóa tại biên giới, cũng như thời gian thông quan hàng hóa, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính việc tuân thủ tốt các quy định về SPS đang ngày càng thúc xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm Việt Nam cũng như là khẳng định vị thế về chất lượng, an toàn của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Nguồn: Báo Chính phủ